“Chị Hai năm tấn, quê ở Thái Bình” là câu hát nổi tiếng trong một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân. Sở dĩ có câu hát này, vì Thái Bình là vựa lụa của đồng bằng Bắc Bộ. Thời kì cách mạng, kỷ lục sản xuất 5 tấn lúa/ha của Thái Bình được nhạc sĩ Hoàng Vân đưa vào ca khúc “Hai chị em”. Nhưng ít ai biết rằng, ở Thái Bình còn rất nhiều làng nghề nổi tiếng với các nghề như: thêu, rèn, đan lát mây tre,… Và làng đũi tơ tằm Nam Cao là một trong những là nghề nổi tiếng nhất. Qua loạt bài viết về lịch sử làng dệt đũi tơ tằm Nam Cao, Bá Minh Silk sẽ cùng bạn khám phá làng nghề này nhé. Let’s go!

Theo như lời kể của người dân Nam Cao thì nghề dệt đũi tơ tằm có cách đây 400 năm. Bắt đầu từ làng Cao Bạt, nghề dệt đũi tơ tằm hình thành và phát triển theo dòng lịch sử của đất nước.
Mời đầu làng dệt ra những tấm đũi rộng 14-20cm nhuộm thành các màu xanh màu đỏ để làm thành thắt lưng cho chị em phụ nữ. Sau này, người làm nghề cải tiến khung dệt thành các khổ vải rộng hơn như 35cm, 80cm dùng để may quần áo.
Theo lệ làng dệt, việc truyền nghề rất nghiêm ngặt, do vậy nghề dệt đũi chỉ phát triển bó hẹp trong làng Cao Bạt (xã Nam Cao). Về sau, nhờ vẻ đẹp rực rỡ nhiều màu sắc cùng với sự mềm mại vải đũi, nhu cầu dùng đũi may quần áo và nhiều việc khác ngày càng tăng, nghề đã được phát triển ra nhiều làng, xã khác. Từ đó, đũi Nam Cao xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường và xuất khẩu đi một số nước trên thế giới như vùng Đông Âu, Lào, Thái Lan…

Lần theo lịch sử, làng đũi Nam Cao có 2 thời kỳ phát triển cực thịnh:
– Thời kỳ Pháp Thuộc
Trước năm 1945, nghề dệt vải lụa, vải bông ở Thái Bình chỉ đứng sau Hà Đông về số lượng sản phẩm và kỹ thuật. Theo ghi chép của người Pháp, vào những năm 30 của thế kỷ XX, toàn Bắc Kỳ có 54.200 thợ dệt vải thì Thái Bình chiếm số lượng đáng kể, với 3.100 người (5,7% thợ dệt vải), tập trung chủ yếu ở các làng: An Lập, An Liêm (Duyên Hà), Xuân Vĩ (Kiến Xương), Thượng Phú, Thượng Tầm, Long Bối, Văn Ông (Thái Ninh)… Năm 1930, Thái Ninh (Thái Thụy nay) có 3.000 khung cửi, năm 1940 đã lên tới 4.977 cái.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Vải trắng sản xuất ở các xã Tống Thỏ, Long Bối, Phúc Khê, Thiền Quan, Đồng Uyên, Kỳ Nhai (huyện Thanh Quan); Xã Vân Cát (huyện Thiên Bản); Các xã Vũ Lao, Hành Thiện, Hà An (huyện Giao Thủy). Nổi tiếng là vải Tống Thỏ”.

Ngày trước, thợ dệt ở Thái Bình thường mua sợi của nhà máy sợi Nam Định về dệt thành khổ vải hẹp (20-30cm), cuộn thành từng tấm rồi bán cho người buôn hàng tấm. Trong gia đình làm nghề dệt, chỉ một vài người biết dệt. Những người khác làm các việc phụ như mắc sợi, đánh suốt,… nghề dệt thường do phụ nữ làm, đàn ông chỉ làm các việc phụ.

Nghề dệt lụa, dệt đũi ở Thái Bình cũng khá phát triển, nhưng nổi tiếng hơn cả là lụa làng La (Vũ Tiên) và đũi Ngọc Đường (Kiến Xương). Dân gian có câu: “Lụa la, là Sóc, đũi Ngọc Đường”, ý ca ngợi những sản phẩm nổi tiếng của mỗi làng, đồng thời gọi mặt hàng gắn liền tên làng để phân biệt chất lượng so với các mặt hàng dệt cùng chủng loại ở nơi khác.

Trước năm 1945, theo thống kê của Công sứ Thái Bình, ở Thái Bình có khoảng 750 thợ dệt lụa các loại: Sồi, đũi, nái, sa… tập trung ở các huyện Vũ Tiên, Tiên Hưng, Thụy Anh, Hưng Nhân, Kiến Xương. Những làng dệt lụa, đũi thường có điều kiện giao thông thuận tiện và có nhiều thợ lành nghề. Sản phẩm làm ra thường được đem bán ở chợ huyện hoặc chợ phiên trong vùng. Xưa kia, tơ lụa là mặt hàng đắt tiền, chỉ những gia đình khá giả mới dùng. Vào những năm 30 của thế kỷ XX, một mảnh đũi dài 1,68m, rộng 0,14m có giá 0,22 đồng; Một mảnh sồi dài 1,8m, rộng 0,18m giá 0,22 đồng.

Thực tế thời kỳ này, làng đũi Nam Cao dệt dòng vải đũi Tuýt So là chủ yếu, nhằm phục vụ cho việc xuất khẩu sang Pháp.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nghề dệt lụa, dệt đũi không phát triển.

– Thời kỳ những năm 80 – 90 của thế kỉ XX
Đến những năm 60-70 của thế kỷ XX mới bước đầu được phục hồi cùng với nghề dệt vải bông, vải màn, khăn mặt… Trong thời kỳ 1985-1990, sản xuất được một khối lượng lớn lụa, khăn mặt, vải màn.
Theo thống kê của Phòng Công – thương huyện Kiến Xương, vào thời cực thịnh, nghề dệt đũi Nam Cao có ở 17 xã với gần 3.000 khung dệt, thu hút khoảng 70.000 lao động, mỗi năm có đến trên 10 triệu mét đũi được tung ra thị trường. Để tiêu thụ được hết từng ấy sản phẩm, 19 doanh nghiệp tư nhân ở Kiến Xương đã được thành lập và làm việc hết công suất. Đũi được đóng chật cứng vào các công-ten-nơ chở đi kìn kìn ngày đêm, đem về doanh số hằng năm lên tới 100 tỷ đồng, một con số mơ ước của nhiều làng nghề khác.

Sở dĩ thời kì này làng dệt đũi Nam Cao phát triển là do Việt Nam có quan hệ hợp tác thân thiết với Liên Xô. Các mặt hàng sản xuất được xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Sau năm 1991, khi Liên Xô tan rã thì việc xuất khẩu không còn, kết hợp với đất nước mở cửa, nhiều ngành nghề khác phát triển hơn khiến cho làng dệt đũi Nam Cao gặp nhiều khó khăn.

Đến đầu năm 2000 đến năm 2016, làng dệt đũi Nam Cao có nguy cơ biến mất. Nghề vẫn duy trì được là nhờ sự nỗ lực của một số cá nhân, giá đình có tâm huyết với nghề. Cả làng chỉ còn lại 30 đến 40 khung dệt và làng nghề đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Bài viết sau trong loại bài lịch sử làng đũi tơ tằm Nam Cao, Bá Minh Silk sẽ chia sẻ về tâm huyết và nỗ lực của một gia đình đã giúp gìn giữ nghề dệt đũi Nam Cao tồn tại đến bây giờ.

Đọc phần 2 bằng cách bấm vào đây.
Đọc phần 3 bằng cách bấm vào đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *