MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ NGHỀ TRUYỀN THỐNG
“Quanh năm suốt tháng bám lấy máy dệt thô sơ để cứu nghề, cứu người và tự cứu chính bản thân mình.”
Nghe những câu nói đấy từ những người nghệ nhân ở làng nghề truyền thống. Có lẽ không ai không xúc động, thương xót. Nhưng đằng sau câu nói đó, vẫn chứa đựng nhiều vấn đề. Mà tôi, sau mấy năm tìm hiểu và làm việc mới nhận ra. Và thấy sự khó khăn hiện tại của nghề truyền thống đến từ chính những người nói ra câu đó.
Suy nghĩ của một người trẻ về nghề truyền thống
Tôi – một người so với những người gắn bó với nghề chỉ đáng bậc cháu chắt. So với họ tôi vẫn chỉ là kẻ học việc chưa thạo, một kẻ không sinh ra từ làng nghề. Nhưng tôi tự tin với cách suy nghĩ, cách làm của mình thì tôi sẽ giúp được một phần nào. Dù là nhỏ bé để giữ nghề và phát triển nghề. Bởi tôi là người trẻ, tôi biết người tiêu dùng hiện tại cần gì? Đó là sản phẩm thật, chất lượng tốt, thẩm mỹ cao, và yêu cầu ngày càng khắt khe hơn.
Tôi mang những tinh thần đó, mang những suy nghĩ đó để chia sẻ và làm việc với người nghệ nhân ở làng nghề truyền thống. Khi làm việc với những người nghệ nhân, tôi nhận thấy họ thật sự rất yêu nghề, rất tâm huyết với nghề, họ vẫn chăm chỉ, cần mẫn như họ vẫn đang nói trong tiếng thở dài:
“Quanh năm suốt tháng bám lấy máy dệt thô sơ để cứu nghề, cứu người và tự cứu chính bản thân mình.”
Nghe được những lời đó tôi càng quyết tâm. Và coi đó chính là con đường để tôi cũng cứu lấy mình, để cho mình có một nghề. Tôi kiên trì tìm hiểu và làm việc với nghệ nhân. Tìm những sản phẩm đặc trưng nhất, tốt nhất và phù hợp với thị hiếu hiện đại. Không hề dễ dàng, bởi sản phẩm làng nghề hiện tại vẫn còn thô, mẫu mã đơn giản. Và nếu so với những sản phẩm khác trên thị trường thì rất khó cạnh tranh về mẫu mã.
Nhưng có một lợi thế mà tôi có thể dựa vào, đó là SẢN PHẨM THẬT. Trên thị trường lúc này, việc hàng giả, hàng nhái tràn lan, việc tìm được sản phẩm thật như “mò kim đáy bể”. Đến những thương hiệu lớn còn bán sản phẩm không thật thì biết thị trường đến mức nào rồi. Tưởng như có lối thoát dễ dàng nhưng không phải!
Sau khi làm việc với những người nghệ nhân đầu tiên, tôi mới biết được tại sao làng nghề truyền thống lại dần mai một. Bởi chính những người làm nghề đã tự đặt họ vào vị thế đó. Cụ thể như sau:
1. Những người làm nghề không biết thị trường đang cần cái gì!
Quanh năm họ chăm chỉ lao động, chăm chỉ làm việc bên những khung dệt cũ kỹ. Vẫn làm ra những sản phẩm như bao đời này. Nhưng họ đâu biết bây giờ con người đã khác, nhu cầu đã thay đổi khác xa. Vậy họ vẫn làm những sản phẩm cũ thì bán cho ai cơ chứ!
2. Cách thức làm việc quá bảo thủ và không chuyên nghiệp.
Tôi đã từng phải tự thuyết phục mình sau vài lần làm việc là “chắc các bác ấy chưa quen với cách làm việc“, sau một vài lần sẽ quen và tốt thôi. Nhưng không, lần nào cũng như lần nào. Yêu cầu màu sắc một kiểu, đến lúc giao hàng một kiểu, ngày giao hàng luôn trễ không một lời giải thích. Có những lần tôi nhận được những lời nói thế này:
“Đây là màu khách khác đặt, bác thấy đẹp, tưởng mày thích nên bác thay vào.” ????
“Sản phẩm của bác có thế, mày lấy được thì lấy, không lấy được thì thôi.”
Thử hỏi với cách thức làm việc như vậy thì phát triển thế nào.
3. Người làm nghề mới chỉ có tinh thần giữ nghề, chưa có tinh thần phát triển nghề.
Thủ công, truyền thống là điều đáng quý. Nhưng không thể giữ mãi sự thủ công, truyền thống được. Cần cải tiến, áp dụng thêm khoa học, kỹ thuật để thủ công, truyền thống ngày càng tốt, tính ứng dụng ngày càng cao.
TÔI KHÔNG MUỐN MỌI NGƯỜI MUA KHĂN LỤA TƠ TẰM ĐỂ LÀM QUÀ TẶNG, TÔI MUỐN MỌI NGƯỜI MUA ĐỂ DÙNG!
Muốn vậy sản phẩm phải có chất lượng tốt, tính ứng dụng cao. Hiện nay, Bá Minh Silk đang có may mắn làm việc với những người tâm huyết với nghề. Họ không chỉ có tinh thần giữ nghề mà họ còn có mong muốn phát triển nghề, đưa sản phẩm ngày càng tốt hơn, sâu rộng hơn đến với tất cả mọi người.
Đây chỉ là góc nhìn cá nhân của tôi với mong muốn mọi người hiểu hơn về nghề thủ công truyền thống. Có thể trong mắt của nhiều người góc nhìn của tôi chưa đúng. Nhưng dù sao đây cũng là một góc nhìn khác, với hi vọng chính những người trong nghề phải tự thay đổi mình để giữ và phát triển nghề.
Hà Nội, ngày 17 tháng 08 năm 2018
Founder Bá Minh Silk: Phan Bá Tân.