Tại làng đũi tơ tằm Nam Cao, Bá Minh Silk đã có dịp gặp gỡ và hợp tác với bác Nguyễn Đình Đại từ cuối 2016 đầu 2017. Cho đến nay, Bá Minh Silk vẫn đang hợp tác với cơ sở dệt đũi của bác Đại để tạo ra những sản phẩm đũi chất lượng cao nhất, nhằm thỏa mãn những khách hàng khó tính nhất.
Theo như bác Đại chia sẻ: đũi Nam Cao nổi tiếng khắp cả nước nhờ sự độc đáo. Đó là những sản phẩm được làm thủ công với rất nhiều công đoạn. Từ khâu chọn nguyên liệu tới khi thành thành phẩm đòi hỏi sự công phu, cần mẫn, tỉ mỉ, trau chuốt từng chút một của người nghệ nhân.
Vải đũi Nam Cao có những đặc tính rất đặc biệt, trông có vẻ mộc, thô, dày nhưng thật ra rất mềm, thân thiện với da, vải thông thoáng, mặc mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, nhưng bền, dễ tẩy trắng, giặt sạch và mau khô…
Quy trình dệt đũi Nam Cao như sau:
Sau khi lấy kén, để kén được ngâm nước, khi kén ngấm nước vào, phải nấu khoảng 15 – 20 phút để nồi kén sôi, chín đều, cho thêm trấu vào và vùi khoảng 6 tiếng thì bắc ra. Sau khi kén nguội thì đem ngâm kén trong nước mát, rồi vắt khô. Thông thường một nồi kén sẽ dùng trong vài ngày, nếu kén chưa dùng luôn sẽ đem phơi dưới nắng nhẹ để bảo quản.
Để se được sợi đũi, người nghệ nhân phải ngâm kén đã chín trong chậu nước sạch. Công đoạn này phải kéo và se hoàn toàn bằng tay, một tay giữ kén, một tay kéo. Vừa kéo, bà Mùi vừa nắn chỉnh sự dày mỏng của sợi sao cho sợi đũi được đều, các mối nối giữa tổ kén phải chặt để khi dệt không bị tuột.
Khi có một cọng củi còn dính lại vào sợi đũi, người nghệ nhân phải dùng hai ngón tay nhặt đi để sợi đũi sạch sẽ. Độ mảnh của sợi đũi sẽ tùy thuộc vào từng loại sản phẩm cần làm.
Sợi đũi sau khi được kéo, người nghệ nhân mắc sợi đũi ướt vào tha, và quay đều theo chiều kim đồng hồ, sợi đũi dàn đều, thẳng trên mặt tha từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới tạo thành các vòng tròn để thuận tiện cho các công đoạn sau.
Trước khi sợi đũi mang đi dệt, thì các nghệ nhân còn mang đũi đi nấu thật kỹ cho sợi mềm và tơi, tránh bị đứt trong quá trình dệt. Sau đó bó sợi đũi được mắc vào vầy và guồng.
Sợi đũi được cuộn vào ống sợi theo hình hoa chuối từ đầu to tới đầu nhỏ, từ trên xuống dưới, sau đó lại được đánh thành từng suốt nhỏ để cho vào con thoi dệt. Công đoạn tiếp theo là nối cửi hay còn gọi là khung cửi.
Công đoạn này được hiểu là nối sợi chỉ dọc vào khung cửi, đây là giai đoạn trung gian quan trọng nhất đòi hỏi người nối cửi phải có kinh nghiệm, chỉ cần một sai sót nhỏ khi nối cửi, khi dệt sẽ hỏng cả tấm lụa. Những hàng dệt được kiểm tra cẩn thận, đảm bảo độ thoáng mềm nhưng vẫn chắc chắn.
Khi phát hiện sợi đứt, hoặc ống sợi hết sợi, người nghệ nhân phải cho khung dừng để nối sợi và tiếp tơ. Cuối cùng, sau khoảng 2-3 ngày dệt, ống lụa dài khoảng 50m sẽ được tháo dỡ và may thành các thành phẩm như khăn mặt, áo dài, vest, khăn lụa, rèm hoặc vỏ chăn ga gối.
Với góc nhìn của khách hàng, đồng thời là người kinh doanh. Bá Minh Silk thấy rằng sản phẩm đũi tơ tằm có đầy đủ tính chất cao quý của sợi tơ tằm giống như trên lụa. Đồng thời, có những vẻ đẹp và đặc tính rất riêng phục vụ cho một lớp khách hàng có gu thời trang khác biệt. Đũi tơ tằm có thể ứng dụng không chỉ trong thời trang, nội thất như rèm cửa, chăn ga gối.
Qua nghiên cứu và tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, Bá Minh Silk đã ứng dụng và sản xuất các sản phẩm đũi thành các sản phẩm có tính ứng dụng cao, thẩm mỹ và thời trang như: Khăn quàng đũi, khăn choàng đũi, khăn tay tơ tằm thêu, khăn mặt tơ tằm,…
Đối tượng khách hàng mà Bá Minh Silk hướng tới là những người sành về lụa tơ tằm, những người thích sản phẩm tự nhiên và đặc biệt là khách nước ngoài.
Cùng với tình yêu sản phẩm Việt, Bá Minh Silk sẽ đồng hành cùng với làng đũi tơ tằm Nam Cao để tạo ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ khách hàng.
Đọc phần 1 bằng cách bấm vào đây.
Đọc phần 2 bằng cách bấm vào đây.